Nếu bạn là người làm việc chuyên nghiệp và có tham vọng thăng tiến, tốt nhất đừng bao giờ thốt ra với sếp những lời sau đây. Những câu nói này có thể làm hỏng cơ hội thăng tiến của bạn, thậm chí có thể dẫn đến việc bị chấm dứt hợp đồng.
"Tôi không thể làm việc với anh ấy/cô ấy"
Thay vì nói không thể làm việc với ai đó, bạn nên tỏ thái độ hoà nhã với họ mỗi khi hợp tác để thể hiện sự chuyên nghiệp của bản thân trong công việc.
Có những khoảnh khắc chúng ta không hài lòng về đồng nghiệp của mình đến mức muốn nói xấu họ với ai đó, nhưng phàn nàn ở nơi làm việc là thiếu chuyên nghiệp. Và nếu điều đó làm ảnh hưởng đến không khí chung của công ty, chắc chắn sếp sẽ không vui khi biết bạn không thể làm việc với người này, người kia.
Ngoài ra khi tuyển bạn, sếp đã kỳ vọng rằng bạn sẽ đối phó được với cảm xúc cá nhân để đạt kết quả xuất sắc nhất. Và nếu bạn không thể, lần sau có thể bạn sẽ không được tin tưởng giao dự án quan trọng nữa.
"Tôi không biết làm thế nào"
Thay vào việc gạt bỏ đi cơ hội tiếp bằng câu nói trên thì bạn nên nói rằng: "Sẽ rất khó để tôi làm được điều đó bởi vì ... Nhưng chúng ta có thể thử làm như thế này ..."
Nếu được giao một nhiệm vụ mới có vẻ khó khăn và bạn chưa có kinh nghiệm trước đó, hãy dành thời gian tìm hiểu trước khi từ chối. Vì rất khó có khả năng sếp giao cho bạn nhiệm vụ mới quan trọng một khi bạn từng tuyên bố không đảm đương được. Nếu bạn nói: "Tôi không biết làm thế nào", điều đó cho thấy bạn không có động lực để học và thử cái mới.
"Đây không phải là trách nhiệm của tôi"
Việc từ chối quá thằng thừng những nhiệm vụ khác chỉ khiến bạn bị đánh giá là thiếu chí tiến thủ, thụ động.
Trong nghề nào cũng vậy, chắc hẳn sẽ có lúc sếp giao nhiệm vụ không liên quan đến công việc chính của nhân viên. Khi điều này xảy ra, đừng kiên quyết nói rằng đây không phải là trách nhiệm của bạn. Sếp có thể coi câu trả lời này là sự xúc phạm cá nhân, hoặc nghi ngờ rằng bạn không muốn tận hiến cho công ty. Rất có thể vì điều đó mà trong tương lai, bạn sẽ không nhận được các nhiệm vụ tương tự và điều đó làm hỏng cơ hội được thăng chức của bạn.
Không phải là bạn nên thực hiện bất kỳ yêu cầu kỳ lạ nào của sếp, tuy nhiên bạn cần học cách từ chối một cách khéo léo.
"Tôi sẽ cố gắng"
Hãy từ bỏ thái độ hời hợt với công việc, thay vào đó là sự thể hiện bạn chắc chắn sẽ hoàn thành công việc được giao.
Cụm từ “Tôi sẽ cố gắng” ngụ ý cao về khả năng thất bại. Khi sếp yêu cầu làm điều gì đó, cách trả lời như vậy giống như bạn đang trốn tránh trách nhiệm, và có vẻ như bạn không thể đưa ra câu trả lời cụ thể cho vấn đề được giao. Điều này có thể khiến sếp bạn khó chịu. Nếu chắc chắn mình có thể đáp ứng đúng thời hạn, bạn chỉ cần nói ra điều đó. Nếu không, hãy giải thích lý do hoặc yêu cầu giúp đỡ, hay xin lùi thời hạn nếu cần.
"Chúng tôi luôn làm theo cách này"
Sự bảo thủ, giữ mãi một phương thức làm việc sẽ là điểm trừ rất lớn đối với bạn trong mắt lãnh đạo.
Nhà quản lý giỏi chắc chắn sẽ đánh giá cao khả năng linh hoạt và dễ dàng thích ứng của cấp dưới đối với những thay đổi trong quá trình làm việc. Nếu bạn khăng khăng rằng bạn chỉ quen làm việc nào đó theo một cách nhất định và không muốn thay đổi bất cứ điều gì, bạn chứng tỏ mình đang mắc kẹt trong quá khứ và không thể theo kịp tiến độ. Điều này giải thích tại sao bạn ở mãi một vị trí dù làm việc lâu năm.
“Điều đó là không thể, tôi không thể làm được”
Khi bạn mắc sai lầm và nói với sếp rằng mình không thể làm được công việc đó, bạn thể hiện sự thụ động trong giải quyết vấn đề và thậm chí là bi quan. Bạn sẽ khó được đánh giá cao. Tốt nhất bạn nên cố gắng tìm cách xử lý vấn đề hoặc giải thích lý sao điều này không thể được giải quyết.
"Tôi có thể sai nhưng..."; "Có thể đây là một ý kiến tồi nhưng..."
Khi nói những từ này, bạn ngụ ý rằng bạn không chắc chắn về ý tưởng của mình, điều này làm giảm giá trị điều bạn muốn nói. Hơn nữa, người quản lý có khả năng nhận thấy ý tưởng của bạn là tồi hoặc bạn đã sai, do đó việc nói như vậy thật sự không cần thiết.
Thay vào đó, bạn nên đưa ra đề xuất của mình với những câu như "Tôi tin", "Tôi chắc chắn" hoặc "Theo tôi thì nên..."... để thể hiện mình có trách nhiệm và tìm hiểu thấu đáo vấn đề.
"Bạn sai rồi"
Bạn không nên nói thẳng với sếp hoặc đồng nghiệp rằng họ đã sai, đặc biệt là trước sự chứng kiến của các đồng nghiệp khác, ngay cả khi đó là sự thật. Việc phê bình trực tiếp có thể dẫn đến thực tế là bạn sẽ không được mời đến cuộc họp tiếp theo, hoặc ý tưởng của bạn sẽ bị bỏ qua.
Nếu sếp hoặc người cộng sự của bạn mắc một lỗi nhỏ, đừng nói gì cả. Nếu sai lầm nghiêm trọng hơn, hãy cẩn thận lựa chọn từ ngữ và nói với giọng điệu thân thiện. Một số mẫu câu có thể sử dụng: "Có lẽ là tôi sai nhưng..."; "Tôi có thông tin khác. Hãy để tôi kiểm tra và quay lại cuộc thảo luận này sau"...
"Tôi đã làm hết sức mình"
Thay vì câu nói đó, bạn có thể trình bày theo cách khác: "Hãy thảo luận xem có thể làm gì khác trong tình huống này?"; "Lần sau, tôi sẽ làm mọi thứ chuẩn hơn"; "Tôi rất vui được làm lại"...
Nếu không..., tôi sẽ nghỉ việc"
Ra tối hậu thư là ý tưởng tồi trong rất nhiều tình huống. Những câu như: "Nếu anh không..., tôi sẽ nghỉ việc" nghe như một lời đe dọa, và tuyên bố này nói chung là thiếu chuyên nghiệp. Có nhiều khả năng sếp bạn sẽ bắt đầu tìm người thay thế sau những lời này, vì nghĩ rằng bạn là nhân viên không đáng tin cậy, thích sử dụng hành vi doạ nạt để đạt được mục tiêu của mình. Nếu bạn đã nói điều này với sếp, hãy chuẩn bị nghỉ việc vì đó là chuyện sớm muộn sẽ phải xảy ra.
Thay vì dọa nghỉ, hãy bình tĩnh trong mọi tình huống, điều đó thể hiện bạn là người chuyên nghiệp và đáng tin cậy, đủ để đảm đương những dự án lớn.