Với tốc độ phát triển nhanh chóng của các loại hình tin tức như hiện nay, khó có thể theo kịp ngay cả những tin tức lớn nhất trong năm, từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên cho đến các cuộc biểu tình càn quét khắp Trung Đông. Điều đó khiến cho những câu chuyện quan trọng không kém khác dễ dàng bị lãng quên. Foreign Policy liệt kê 10 câu chuyện mà có thể bạn đã bỏ lỡ trong năm 2019.
1. Trung Quốc tham gia cuộc đua vào vũ trụ
Đầu năm 2019, lần đầu tiên tàu vũ trung Trung Quốc hạ cánh trên Mặt trăng, đánh dấu giai đoạn căng thẳng của cuộc đua không gian giữa Trung Quốc với Mỹ và Nga trong những thập kỷ sắp tới. Đó là một kỳ tích khoa học nhưng cũng làm dấy lên mối lo ngại đối với Washington, bởi việc Trung Quốc chạy đua vào vũ trụ có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ.
Tháng 2 năm nay, các quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cảnh báo rằng Trung Quốc đang xây dựng cơ sở hạ tầng ở Mỹ Latinh, bao gồm cả một cơ sở vệ tinh phức tạp ở Argentina. Vệ tinh này có thể giám sát và có khả năng nhằm vào các vệ tinh của Mỹ trong không gian.
Hình ảnh mô phỏng Hằng Nga 4 trên Mặt Trăng. (Ảnh: CASC)
2. Bệnh dịch Ebola tiếp diễn ở Congo
Cộng hòa Dân chủ Congo quay cuồng với đại dịch Ebola lớn thứ hai trong lịch sử, với hơn 3.300 trường hợp được ghi nhận và 2.200 trường hợp tử vong. Loại virus chết người này gióng lên hồi chuông cảnh báo trên phạm vi toàn cầu sau khi một ổ dịch bùng phát năm 2014 ở Tây Phi, giết chết hơn 11.000 người.
Tuy nhiên, sau đó, cộng đồng y tế toàn cầu đẩy mạnh nghiên cứu nhằm loại virus này. Lần đầu tiên, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã phê duyệt, cho phép đưa vào sử dụng một loại vaccine điều trị Ebola trong năm nay. Điều này kết thúc nhiều thập kỷ nghiên cứu về loại vaccine, có khả năng ngăn chặn căn bệnh lịch sử, có lịch sử có tỷ lệ tử vong khoảng 80% như Ebola.
3. Kết thúc chương trình giám sát NSA gây tranh cãi
Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ kết thúc chương trình lâu dài, thu thập thông tin về các cuộc gọi điện thoại và tin nhắn của Mỹ với sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Quốc hội. Quyết định này khép lại chương bí mật, gây tranh cãi được bắt đầu sau vụ khủng bố 11/9 và được tiết lộ bởi cựu điệp viên NSA Edward Snowden.
Tiết lộ của Snowden gây ra một cuộc tranh luận kéo dài trên toàn nước Mỹ về quyền riêng tư và sự giám sát của chính phủ. Các nhà lập pháp cấp cao của đảng Dân chủ và Cộng hòa đưa ra một dự luật nhằm chấm dứt hoạt động thu thập siêu dữ liệu của NSA.
4. Chim và côn trùng chết với tốc độ đáng báo động, đe dọa hệ sinh thái ở mọi nơi
Trong năm nay, một nhóm các nhà khoa học công bố đánh giá khoa học toàn cầu đầu tiên về các loài côn trùng và phát hiện ra rằng 40% các loài côn trùng đang suy giảm và 1/3 đang bị đe dọa. Côn trùng là cơ sở của chuỗi thức ăn và là sợi dây của hệ sinh thái ở khắp mọi nơi. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng sự suy giảm liên tục của côn trùng do tác động của biến đổi khí hậu, nông nghiệp, thuốc trừ sâu và quá trình đô thị hóa ngày càng tăng sẽ gây ra những tác động thảm khốc trên hành tinh.
Theo một nghiên cứu gần đây, một trong ba loài chim đã biến mất khỏi Bắc Mỹ trong 50 năm qua do mất môi trường sống. Giống như côn trùng, chim đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, khiến cho sự suy giảm của chúng là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. “Nghiên cứu của chúng tôi là một lời cảnh tỉnh. Chúng ta trải qua một cuộc khủng hoảng sinh thái”, một trong những nhà nghiên cứu cho biết.
5. Mối quan hệ giữa Mỹ với Belarus
Trong bối cảnh mối quan hệ giữa phương Tây và Nga suy giảm ở mức thấp nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, chính quyền ông Trump củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với một trong những quốc gia cuối cùng, chịu ảnh hưởng của Nga là Belarus.
Tổng thống Donald Trump, cố vấn an ninh quốc gia lúc bấy giờ, John Bolton, đã đến thăm Belarus vào đầu năm nay, và các quan chức Mỹ nói rằng Ngoại trưởng Mike Pompeo dự kiến sẽ tới Minsk vào tháng 1 năm sau.
Belarus đã trục xuất Đại sứ Mỹ vào năm 2008 sau khi Washington áp đặt lệnh trừng phạt đối với hành vi vi phạm nhân quyền của nước này. Thế nhưng, giờ đây Mỹ dự kiến sẽ hồi sinh quan hệ ngoại giao với Belarus khi lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ cử một Đại sứ đến Minsk.
6. Hạn hán ở Nam Phi
Đợt hạn hán ở miền Nam châu Phi đẩy 45 triệu người vào tình trạng nguy hiểm, trong đó có 11 triệu người rơi vào cảnh mất an ninh lương thực. Chỉ 1/5 trong số vụ mùa vừa qua có lượng mưa bình thường và các chuyên gia khí hậu cảnh báo tình trạng hạn hán có thể trở nên tồi tệ hơn trong những năm tới do tác động của biến đổi khí hậu.
Một số chuyên gia cảnh báo về sự thiếu hụt những nỗ lực cứu trợ từ cộng đồng quốc tế và chính phủ Nam Phi, Zimbabwe và Zambia đối với thảm họa hạn hán hiện nay.
7. Nỗ lực chấm dứt chiến tranh Yemen
Cuộc nội chiến Yemen đã kéo dài trong 5 năm đã dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới với hàng triệu người đang trên bờ vực nạn đói và khoảng 80% dân số (24 triệu người) cần hỗ trợ nhân đạo. Ả-rập Xê-út đã có những nỗ lực đàm phán chấm dứt cuộc xung đột giữa phiến quân Houthi với liên minh quân sự do Riyadh đứng đầu.
Một số quan chức khu vực và Mỹ bày tỏ lạc quan rằng, những nỗ lực mới về thúc đẩy hòa bình sẽ thực sự mang lại kết quả. Trong khi đó, sự ủng hộ của Mỹ đối với liên minh quân sự do Ả-rập Xê-út lãnh đạo chống lại phiến quân Houthi làm dấy lên những tranh cãi chính trị sôi nổi ở Washington.
8. Cuộc biểu tình ở Haiti
Các cuộc biểu tình rộng rãi ở Chile, Ecuador và Bolivia đã thu hút sự chú ý của quốc tế trong năm nay. Những người biểu tình ở các nước này yêu cầu có những thay đổi mạnh mẽ đối với các nhà lãnh đạo của họ.
Người đàn ông đứng chắn xe tăng trong cuộc biểu tình ở Chile. (Ảnh: Getty)
Một phong trào phản kháng kịch tính không kém diễn ra ở Haiti - quốc gia nghèo nhất ở Tây bán cầu, khiến hơn 40 người Haiti thiệt mạng. Tình cảnh đó gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo khiến hàng triệu người đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực và cuộc khủng hoảng chính trị.
Tổng thống Jovenel Moïse khẳng định ông sẽ không từ chức trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối nạn tham nhũng lan rộng. Trước tình hình hiện nay, các cuộc biểu tình dự kiến sẽ bùng lên một lần nữa trong năm mới.
9. Số người di cư chết trên đất liền qua châu Phi cao gấp đôi so với số người di cư vượt Địa Trung Hải
Cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu giúp định hình lại chính trị châu lục và làm sáng tỏ hành trình nguy hiểm của những người tị nạn và người di cư châu Phi, nỗ lực vượt biển Địa Trung Hải sang châu Âu.
Cuộc khủng hoảng di cư vẫn đang diễn ra, nhiều người bị mắc kẹt tại các cơ sở tổ chức ở Bắc Phi. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn ước tính số người di cư trên đất liền qua châu Phi chết nhiều gấp đôi so với di cư cố gắng vượt Địa Trung Hải đến châu Âu.
Trong 5 năm qua, hơn 1 triệu người di cư châu Phi chuyển đến các khu vực khác mỗi năm, trong đó có hơn 80.000 người bị chặn ở Nam Âu trong cùng thời gian đó, theo phân tích của Trung tâm nghiên cứu chiến lược của Bộ Quốc phòng Mỹ.
10. Mỹ tăng cường khả năng chống khủng bố
Tháng 9, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ các quyền lực mới của chính quyền trong thực hiện các biện pháp chống khủng bố, chống tài trợ khủng bố. Điều này đánh dấu việc cung cấp các hỗ trợ quan trọng cho các cơ quan chống khủng bố của Mỹ kể từ sau vụ tấn công 11/9.
Các lệnh trừng phạt ngày càng trở thành vũ khí trong chính sách đối ngoại, được Washington lựa chọn để giải quyết khủng bố. Ngày 10/9, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố một sắc lệnh hành pháp mới cho phép Mỹ trừng phạt thủ lĩnh các tổ chức khủng bố mà không cần phải cáo buộc có những hành vi khủng bố cụ thể. Chính phủ Mỹ có quyền lực rộng lớn hơn trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp hoặc tổ chức nào đã thực hiện giao dịch với các nhà lãnh đạo của các nhóm khủng bố, tài chính và những người có liên quan đến việc đào tạo các tổ chức khủng bố.