Quá trình tiến hóa mang đến nhiều sự thay đổi, trong đó có việc cơ thể thích nghi với những hoạt động mới của xã hội. Điều này dẫn đến việc nhiều bộ phận, không còn phù hợp với thời đại nữa và dần bị thoái hóa. Dưới đây là 10 bộ phận vô dụng trên cơ thể con người, nhưng một vài trong số này vẫn còn gây tranh cãi.
Theo Michelle Moscova, Trưởng nhóm nghiên cứu Healthcare Innovations tại Đại học New South Wales (Sydney, Australia), khi còn trong bụng mẹ, tất cả phôi ban đầu đều phát triển các bộ phận giống nhau. Sau khoảng 7 tuần, giới tính bắt đầu khác biệt.
Khi đó, một gen gọi là SRY trên nhiễm sắc thể Y bắt đầu hoạt động, làm cơ quan sinh sản nam phát triển và cơ quan sinh sản nữ biến mất. Núm vú bắt đầu hình thành trước khi SRY kích hoạt nên mọi người dù thuộc giới tính nào cũng có núm vú.
Mặc dù không có khả năng tiết sữa, núm vú của nam giới vẫn phản ứng với kích thích tình dục. Vì vậy, một số người có thể không đồng tình với ý kiến cho rằng chúng hoàn toàn vô dụng.
Răng hàm thứ ba hay răng khôn có thể dùng để nhai thức ăn nhưng thường được xem là không cần thiết. Khi răng khôn mọc, chúng thường không trồi lên khỏi nướu đúng cách. Đó là bởi vì hàm răng của con người nhỏ, không đủ chỗ cho răng khôn phát triển và mọc đúng vị trí.
Xương hàm của con người tiến hóa nhỏ hơn nên răng khôn không đủ chỗ để mọc. (Ảnh: Flickr)
Một số nhà khoa học cho rằng điều này do hàm răng của con người ngày càng nhỏ hơn theo thời gian. Tuy nhiên, hiện nay có bằng chứng cho thấy chế độ ăn thời thơ ấu của chúng ta là nguyên nhân chính.
Theo Discover, ăn các thực phẩm khó nhai, chẳng hạn như rau sống và các loại hạt, có thể kích thích sự phát triển của hàm, trong khi ăn thực phẩm mềm, chế biến sẵn sẽ làm chậm sự phát triển của hàm, khiến răng khôn có ít chỗ để phát triển hơn.
Cơ quan Jacobson hay vomeronasal organ hoạt động ở nhiều loài động vật, bao gồm bò sát, lưỡng cư và động vật có vú. Đây là cơ quan giúp động vật phát hiện ra các pheromone. Ở người, đây là cơ quan khứu giác phụ trợ có hình ống, được tìm thấy chọc qua vòm khoang mũi.
Theo một đánh giá năm 2018 trên tạp chí Cureus, nhiều bằng chứng giải phẫu và di truyền cho thấy cơ quan này không hoạt động ở con người, nhưng vấn đề này vẫn còn đang được tranh luận rộng rãi.
Cơ gan tay dài (palmaris longus) là cơ kéo dài từ phần cùi chỏ đến cổ tay. Về mặt chức năng, nó là một trong những cơ liên quan đến việc gập cổ tay và căng lòng bàn tay.
Nhưng không phải mọi người đều có cơ này và nếu không có, họ vẫn có thể thực hiện các chuyển động mà không gặp vấn đề gì.
Theo một báo cáo năm 2014 trên tạp chí Medical Hypotheses, một số nhà khoa học đưa ra giả thuyết cơ gan tay dài phù hợp và hoạt động mạnh mẽ hơn ở loài linh trưởng leo cây so với loài linh trưởng sống trên cạn, giống như con người.
Cơ gan tay là những gì còn sót lại của tổ tiên chúng ta ngày trước - những người sử dụng chi trước để leo trèo. (Ảnh: Shutterstock)
Hai cơ hình tháp bắt nguồn từ khớp giữa hai xương mu và kéo dài sang mỗi bên của linea alba, một đường mô liên kết chạy dọc giữa bụng.
Theo một báo cáo năm 2017 trên tạp chí Journal of Clinical and Diagnostic Research, các cơ này có kích thước khác nhau và người bị thiếu một hoặc cả hai cơ không bị ảnh hưởng xấu khi không có chúng.
Sụn tai Darwin (Darwin’s point) là phần sụn nhỏ lồi lên phía vành tai. Đây được xem là một dị tật vô hại của tai. Theo New Scientist, bộ phận này là phần sót lại của một khớp giúp đỉnh tai gập xuống trên ống tai.
Người sở hữu đôi tai Darwin có một phần sụn nhỏ lồi ra bên ngoài hoặc viền tai. (Ảnh: Shutterstock)
Các cơ gắn với vành tai có chức năng xoay và điều chỉnh đôi tai để tập trung thính giác về phía những âm thanh đặc biệt. Sau một thời gian dài tiến hóa, các cơ tai ở người đã dần mất đi tính năng ban đầu.
Theo The New York Times, trong khi nhiều loài động vật có thể xoay tai để phản ứng với âm thanh, con người đã mất khả năng này và thậm chí một số người không thể cử động tai.
Đây khúc xương ở phía cuối xương sống và là vết tích minh chứng tổ tiên con người từng có đuôi. Khi bắt đầu đứng thẳng, con người không cần chiếc đuôi để giữ thăng bằng nữa mà sử dụng những cơ chế khác để giữ thăng bằng.
Theo New Scientist, xương cụt của con người ngày nay đóng vai trò là điểm tựa cho nhiều cơ, dây chằng và gân.
Xương cụt là phần cuối cùng, nhỏ nhất và khác biệt nhất của xương cột sống. (Ảnh: Shutterstock)
Nhà bác học Charles Darwin từng tuyên bố ruột thừa chỉ hữu ích đối với việc tiêu hóa khi tổ tiên chúng ta còn ăn cây cỏ. Thực tế, một số người được sinh ra mà không có ruột thừa và nhiều người phẫu thuật cắt bỏ bộ phận này vẫn có thể sống tốt.
Nhưng gần đây, nghiên cứu đã tiết lộ thêm các chức năng của ruột thừa ở nhiều loại động vật có vú, bao gồm cả con người. Chẳng hạn, cơ quan này có thể là nơi chứa vi khuẩn đường ruột hữu ích và cũng là nơi các tế bào miễn dịch chống lại bệnh tật được sinh ra.
Như vậy, ruột thừa cũng không hoàn toàn vô dụng. Nhưng hãy cắt bỏ nó trong trường hợp bị viêm ruột thừa.
Chim, bò sát và một số động vật có vú, bao gồm cả mèo đều có mí mắt thứ ba. Đây là một nếp gấp của mô được tìm thấy ở rìa bên trong mắt để giữ ẩm và che chắn bảo vệ mắt.
Theo Scientific American, mí mắt giống cần gạt nước này được gọi là màng nictitating. Ở người, mí mắt thứ ba là tàn dư của màn sinh học này và được gọi là plica semilunaris. Nó nằm ở khóe mắt, gần với tiểu quản lệ với hình dạng như một nếp gấp nhỏ của một mô.
Mặc dù đôi khi được cho là vô dụng vì nó không có chức năng như mí mắt, nhưng thực tế nó hỗ trợ chuyển động của nhãn cầu và giúp dẫn lưu nước mắt.