Những ngày gần đây, nhiều người dân ở 2 xã Phước Đức và Phước Kim thuộc huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) phải nhập viện cấp cứu do ăn cá chép ủ chua theo kiểu truyền thống. Các vụ ngộ độc thực phẩm này làm 1 người chết, 8 người hiện đang phải thở máy.
Vụ ngộ độc thực phẩm đầu tiên xảy ra vào ngày 7/3 tại thôn 2 (xã Phước Đức) khiến một người chết và ba người nguy kịch.
Đến ngày 16/3, thêm 5 người dân ở xã Phước Kim (huyện Phước Sơn) bị ngộ độc thực phẩm phải đi cấp cứu liên quan đến món cá chép ủ chua, món ăn truyền thống của người dân địa phương.
Theo nhiều người dân kể lại, 5 người dân tổ chức ăn trưa tại rẫy keo. Bữa trưa của họ gồm cơm, cá chép ủ chua và chim nướng.
Đến 19h ngày 16/3, một người trong nhóm kêu đau đầu, buồn nôn, nôn, bụng chướng, choáng, chóng mặt. Tiếp đó, ba người khác cũng có biểu hiện tương tự, họ được đưa đến Bệnh viện đa khoa miền núi phía Bắc Quảng Nam cấp cứu và được chẩn đoán ngộ độc Botulism. Riêng một người trong nhóm này vẫn bình thường và cho biết không ăn món cá ủ chua. Được biết, những người ngộ độc thực phẩm đều là người dân tộc Gié Triêng.
TS.BS Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam thăm hỏi người dân ngộ độc thực phẩm đang điều trị tại bệnh viện.
Trước tình hình trên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Nam phối hợp với các đơn vị điều tra nguyên nhân và khảo sát các yếu tố liên quan để tìm nguồn lây, lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang và Viện Kiểm nghiệm An toàn viện sinh thực phẩm quốc gia kiểm nghiệm.
Đồng thời, tham mưu Sở Y tế Quảng Nam chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn tuyên truyền cho dân về vệ sinh ăn uống, về phòng chống ngộ độc thực phẩm, ngộ độc Clostridium botulinum.
TS.BS Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết, ngay khi nắm được sự việc đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn tiếp tục ra soát các trường hợp liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm để phát hiện sớm, tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời. Trường hợp có diễn biến nặng phải chuyển lên tuyến trên để điều trị kịp thời.
Sở Y tế yêu cầu Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc, Quảng Nam sẵn sàng phối hợp hội chẩn từ xa, tiếp nhận bệnh nhân chuyển tuyến để điều trị kịp thời nhằm hạn chế tối thiểu trường hợp diễn biến nặng, tử vong xảy ra.
Đề nghị UBND các huyện, đặc biệt là vùng núi cao tăng cường thông tin, truyền thông, giáo dục về kiến thức an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không đảm bảo an toàn thực phẩm trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm.
TS.BS Mai Văn Mười cho biết, thời gian gần đây, tại một số địa phương khu vực miền Trung liên tục xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm do nghi ăn các món ăn mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương.
Để giảm thiểu, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, ngành Y tế Quảng Nam khuyến cáo người dân: Không sử dụng các món ăn được chế biến liên quan món cá chép ủ chua.
Không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ, côn trùng,...; cần có biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương như món cá chép ủ chua, ….
Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng...; không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ; không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc; không ăn nấm đã bị dập nát, hư hỏng.
Tuyệt đối không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng. Kiên quyết tẩy chay các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Người dân cần có thói quen từ chối các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm. Không tiêu thụ những thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; khai báo khi bị ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Ngộ độc thực phẩm có độc tố có thể gây tử vong nhanh, nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, khi có các biểu hiện ngộ độc sau khi ăn uống thực phẩm nghi có độc tố, cần nhanh chóng đưa người bị ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời.