Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

1/3 số thí sinh cả nước chưa đăng ký xét tuyển đại học

(VTC News) -

600.802 thí sinh đã nhập nguyện vọng lên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT, còn lại 340.778 em chưa đăng ký.

Số liệu trên được Bộ GD&ĐT thống kê đến hết ngày 19/8. Tổng số nguyện vọng đã đăng ký vào các trường đại học là hơn 2,9 triệu (trung bình mỗi thí sinh đăng ký 4,84 nguyện vọng). Hạn cuối đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT vào 17h ngày 20/8.

PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT nhắc nhở các thí sinh trúng tuyển sớm vào nhiều ngành, nhiều trường ở các phương thức khác nhau nhưng vẫn phải thực hiện đăng ký lại nguyện vọng trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT.

"Thí sinh cần đặt nguyện vọng đã trúng tuyển lên vị trí cao nhất - nguyện vọng 1. Nếu không xác nhận bằng cách đăng ký lại nguyện vọng trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung thì xem như thí sinh từ chối trúng tuyển", bà Thuỷ nói.

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT 2022. (Ảnh minh hoạ: Hoài Anh)

Bà Thủy cũng lưu ý, nếu thí sinh được thông báo trúng tuyển 1 nguyện vọng trên hệ thống thì các nguyện vọng sau đó không còn giá trị. Do vậy, thí sinh cần cân nhắc kỹ khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT sẽ lọc ảo, mỗi em chỉ được trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất, không xảy ra việc thí sinh trúng tuyển chính thức 2, 3 phương thức, hay 2, 3 trường khác nhau.

"Hệ thống hỗ trợ chắc chắn giúp thí sinh đỗ vào nguyện vọng ưu tiên nhất có thể mà không phải lo lắng lựa chọn giữa các phương thức xét tuyển khác nhau", Vụ trưởng nói.

Để có đủ thông tin xét tuyển, thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường, đảm bảo không bị nhầm lẫn khi đăng ký nguyện vọng, chọn ngành, tránh sai sót và ảnh hưởng đến kết quả xét tuyển sau này.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, điểm mới trong tuyển sinh 2022 là không giới hạn số lần các em đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng. Điều này tạo cơ hội tốt nhất cho các em trúng tuyển. Việc đăng ký số lượng nguyện vọng và sắp xếp thứ tự các nguyện vọng trên hệ thống chung hoàn toàn do thí sinh quyết định.

Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, phương thức tuyển sinh ở tất cả các trường được xếp thứ tự từ 1 đến hết, trong đó nguyện vọng 1 là cao nhất, ưu tiên nhất của thí sinh. Trong quá trình đăng ký nguyện vọng trực tuyến, thí sinh phải thực hiện đúng, đủ, hết quy trình đăng ký xét tuyển.

Nếu bỏ dở quy trình, hệ thống sẽ không cập nhật và không nhận thông tin đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh.

Khi thí sinh chưa xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng hoặc chưa nộp lệ phí xét tuyển (trừ trường hợp đã nộp lệ phí xét tuyển sớm tại trường) thì hệ thống chưa chấp nhận việc đăng ký nguyện vọng của thí sinh. Để đăng ký xét tuyển, thí sinh phải sử dụng tài khoản cá nhân thực hiện theo hình thức trực tuyến trên hệ thống.

Sau khi hoàn thành đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh bắt buộc nộp lệ phí xét tuyển bằng hình thức trực tuyến theo 3 đợt.

Đợt 1, từ 21/8 đến 17h ngày 26/8, hệ thống sẽ mở để phục vụ thí sinh ở các tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Thành phố Hải Phòng.

Đợt 2, từ 22/8 đến 17h ngày 27/8, hệ thống sẽ mở ở các tỉnh, thành phố, gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum.

Đợt 3, từ 23/8 đến 17h ngày 28/8 dành cho các thí sinh thuộc các tỉnh, thành phố còn lại.

Hà Cường

Tin mới